Thursday, February 18, 2010

35 Năm Cộng Đồng Người Việt Hải Ngoại


Sau ngày 30 tháng Tư năm 1975, người Việt đã hầu như có mặt khắp hoàn cầu, nơi đông nhất là Bắc Mỹ, nơi ít nhất là Châu Phi.
Nhìn chung, Cộng đồng người Việt hải ngoại hiện nay không thuần nhất. Lý do là vì cuộc di dân vĩ đại từ Việt Nam đến các nước Tự Do Âu, Mỹ, đại bộ phận là những người sống dưới thể chế tự do tại miền Nam Việt Nam, bỏ quê hương, chạy trốn chế độ độc tài của Cộng sản Bắc Việt, khi chính phủ Việt Nam Cộng Hòa tại miền Nam bị đánh đổ năm 1975, một thiểu số (phần đông từ miền Bắc) ra đi để tìm đời sống kinh tế dễ dàng hơn ở trong nước, trong đó có một số người do Nhà nước Cộng sản cho đi định cư để buôn bán, kinh tài và xâm nhập vào cộng đồng tỵ nạn. Một số khác, hàng trăm ngàn người, gốc là các “lao động xuất khẩu” từ Việt Nam tại các nước Đông Âu cũ và Nga, không chịu hồi hương khi mãn hạn lao nô, hiện sống trong tình trạng bất hợp pháp.
Một số người vì ham làm giầu nhanh chóng nên đã bị bọn môi giới lừa gạt đưa đến Anh Quốc một cách bất hợp pháp, để làm những nghề phi pháp (như trồng cần sa, chế biến ma túy, băng đảng vân vân). Số người này nhập cảnh lậu qua Pháp để đi Anh Quốc, hiện đã bị bắt và đang bị giam lỏng ở một khu rừng phía Bắc Pas-de-Calais, Pháp Quốc. Họ không có giấy tờ tùy thân nên chính phủ Pháp không thể giải giao những người Việt Nam này cho tòa Đại Sứ Việt Nam cộng sản tại Paris. Người ta gọi họ là “Những Người Rơm” vì không có gốc gác rõ ràng.
Chính vì những sự kiện này nên danh xưng Cộng Đồng Việt Nam Hải Ngoại trở nên quá bao quát. Trong bài này, chỉ đề cập tới Cộng Đồng Việt Nam Tỵ Nạn Cộng sản, tức là những di dân rời Tổ quốc vì lý do chính trị, chứ không vì kinh tế. Họ ra đi vì không chấp nhận chế độ cộng sản và vì bị chế độ mới ngược đãi, phân biệt đối xử.
Đặc trưng làm nổi bật “căn cước” của Cộng Đồng Người Việt Tỵ Nạn là không chấp nhận Chủ Nghĩa Cộng Sản, không chấp nhận định đề “Yêu nước là yêu chủ nghĩa xã hội” do nhà cầm quyền tại Việt Nam áp đặt lên dân chúng. Đặc trưng thứ hai là tinh thần và ý chí trường kỳ đấu tranh bằng mọi phương thức, nhằm giải trừ chế độ Cộng sản trên quê hương Việt Nam, để nhân dân trong nước được sống Tự Do, Dân Chủ và đầy đủ Quyền Làm Người.
Trong viễn tượng đó, Cộng Đồng Việt Nam Hải Ngoại đã nỗ lực thích ứng với hoàn cảnh mới và đang lớn mạnh về mọi mặt văn hóa, kinh tế, khoa học, kỹ thuật và chính trị.
SỰ PHÂN BỐ CỘNG ĐỒNG TỴ NẠN VIỆT NAM TRÊN THẾ GIỚI
Sau các đợt vượt biển, vượt biên “thập tử, nhất sinh”, số người Việt may mắn đã được Thế Giới Tự Do hào hiệp đón nhận, cưu mang và định cư khắp nơi.
Để dễ theo dõi, chúng tôi sẽ sắp xếp theo số lượng, từ vùng có cộng đồng lớn (có nhiều người) đến những cộng đồng nhỏ (nơi ít người Việt nhất).
1.- Tại Bắc Mỹ Châu: gồm Canada và Hoa Kỳ: Theo số liệu thống kê năm 2001 thì số lượng người Việt định cư tại Canada là khoảng trên 151,416 người. Tập trung tại các tỉnh bang lớn như: Ontario: 67,450 người; Québec: 28,310 người; Alberta: 21,490 người và Vancouver: 34,166 người, phần lớn là người Việt gốc Hoa Kiều, đến định cư từ 1980.
Tại Hoa Kỳ, theo thống kê năm 2007, tổng số người Mỹ gốc Việt có khoảng 1,642,950 người, chiếm hơn một nửa tổng số người Việt sống khắp nơi trên thế giới. Cộng đồng người Việt này lớn thứ 4 sau các cộng đồng Mỹ gốc Trung Hoa, gốc Ấn-Độ và gốc Philippines tại Hoa Kỳ.
Trong cuộc Điều Tra Dân Số Hoa Kỳ năm 2000 (U.S.A. Census 2000) có 1,122,528 người tự nhận là gốc Việt thuần túy. Nếu tính luôn cả những người Mỹ gốc Việt thuộc các sắc dân thiểu số khác thì tổng số là 1,223, 736 người Mỹ gốc Việt nói chung.
Đây là hai tập thể quan trọng của Người Việt Tỵ Nạn. Trước hết là về số lượng, với tổng dân số gần hai triệu người, thứ đến là về phẩm chất, trong số thuyền nhân vượt thoát này, đại đa số là các thành phần ưu hạng của Việt Nam Cộng Hòa gồm bác sĩ, dược sĩ, kỹ sư, giáo sư, sinh viên, nhà văn, nhà báo, nhà kinh doanh, các giới trí thức khác và những sĩ quan cao cấp trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa vân vân.
Sau khoảng từ 3 đến 5 năm khó khăn để thích ứng với môi trường mới, người Việt Tỵ Nạn đã xây dựng được hai Cộng Đồng Tỵ Nạn vững mạnh trên các lãnh vực: văn hóa, giáo dục, tôn giáo, kinh doanh, truyền thông, chính trị và tranh đấu cho Tự Do, Dân Chủ và Nhân Quyền tại Việt Nam.
Cộng đồng người Việt Canada và Cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ đã kiên trì, bền bỉ đấu tranh nhằm mục đích giải trừ chế độ Cộng sản cho Tổ Quốc Việt Nam. Hầu hết số người Việt này đều đã trở thành Công dân Canada và Hoa Kỳ, đang sống trong những điều kiện thuận lợi cho sự phát triển các tiềm năng để xây dựng cộng đồng và duy trì cuộc đấu tranh cho một Việt Nam Tự Do, Dân Chủ và Nhân Quyền.
A/- CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT TẠI CANADA
Từ tháng 5-1975, khoảng 4,000 người Việt tỵ nạn trong đợt di tản đầu tiên được phép nhập cư vào Canada; ngày 8-5-1975 những người Việt đầu tiên đến Canada, nhiều người được đưa đến Montréal. Nhu cầu sinh hoạt trên xứ lạ đòi hỏi phải thành hình một tổ chức Cộng Đồng để tương thân tương trợ. Năm 1976, Cộng Đồng Người Việt Canada được tổ chức lại tốt hơn. Từ năm 1978, sau cuộc biểu tình của Cộng Đồng Người Việt Tỵ Nạn tại thủ đô Ottawa, chính phủ Canada nhận thêm 50,000 thuyền nhân. Ngoài ra, chương trình đoàn tụ đã nâng tổng số người Việt định cư tại Canada lên khá cao. Năm 1991 có khoảng 84,005 người, đến năm 1995 tổng số lên đến 180,000, được định cư tại các tỉnh bang như: New Foundland, Nova Scotia, New Brunswick, Québec (Monréal), Ontario (Toronto), Edmonton, Thủ đô Ottawa, Manitoba (Winnipeg), Saskatchewan (Saskatoon). Alberta (Calgary), Britsh Columbia, Northwest Territories. Nơi người Việt đông nhất tại Canada là thành phố Montréal hơn 40 ngàn, thứ hai là tỉnh bang Ontario gần 35 ngàn người (thành phố Toronto có hơn 22 ngàn). Thành phố đông người Việt thứ ba được nhiều người biết đến nhất đó là Vancouver thuộc tỉnh bang British Columbia, có khoảng trên 30 ngàn. Nơi ít nhất là New Foundland chỉ khoảng 100 người.
Thống kê năm 2001, thì số lượng người Việt định cư tại Canada là khoảng trên 151,416 người. Đến nay, có lẽ tổng số người Canada gốc Việt có thể lên đến 200,000 người (chỉ ước tính, chưa có thống kê chính thức).
B/- CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT TẠI HOA KỲ
Hiện nay số Người Việt định cư tại Hoa Kỳ khoảng hơn 1,642,950 người, được phân bố tại hầu hết các tiểu bang. Sĩ số ước lượng như sau:
- California có hơn 447,032 người (chiếm 39.8% toàn quốc Hoa Kỳ). Đông nhất là tại Quận Cam (Orange County) với hơn 135,548 người, tập trung đông đảo tại các thành phố Westminster, Garden Grove và Little Saigon tức Sài Gòn Nhỏ một thành phố được xem là Thủ Đô của người Việt Tỵ Nạn cộng sản tại Hoa Kỳ. Cộng đồng người Việt Tỵ Nạn đông thứ hai tại California là San Jose và Santa Clara County với khoảng hơn 80,000 người;
- Texas có hơn 134,961 người (chiếm 12% số người Việt toàn quốc Hoa Kỳ);
- Washington khoảng 50 ngàn;
- New York: 35 ngàn;
- Minnesota: 34 ngàn;
- Massachusettes: 30 ngàn;
- Illinois: khoảng 30 ngàn;
- Pensylvania: 30 ngàn;
- Philadelphia: 25 ngàn,
- Virginia: 24 ngàn;
- Oregon: 22 ngàn, tập trung ở Portland;
- Colorado: 20 ngàn;
- Florida: 21 ngàn;
- Louisiana khoảng 16 ngàn người, tập trung tại New Orleans và Baton Rouge;
- New Jersey: khoảng 15 ngàn;
- Hawaii: khoảng 12 ngàn;
- Alaska: khoảng 300 người.
Theo thống kê năm 1990, trong số 854,725 Người Việt định cư tại Hoa Kỳ có 70% ở độ tuổi trung bình từ 28 đến 30; từ 1 đến 19 tuổi là 27% và người cao niên trên 65 khoảng 3%. Với tình hình dân số này, Người Việt Tỵ Nạn đã trực tiếp đóng góp vào lực lượng nhân dụng của Hoa Kỳ một cách đáng kể. Người Việt có khuynh hướng tìm về những vùng có khí hậu ấm áp và nhiều công việc làm.
Về kinh tế, theo một thống kê thì mức thu nhập bình quân đầu người của người Mỹ gốc Việt là 20,074 Mỹ kim/ một năm (so với người Mỹ bản xứ là 26,688 MK/năm).
Đã có hai Tỷ phú người Mỹ gốc Việt tại Hoa Kỳ:
1.- Tỷ phú Trần Đình Trường, sinh năm 1932, người Việt Nam Cộng Hòa, di tản qua Mỹ năm 1975, hiện là chủ hai khách sạn lớn tại New York.
2.- Tỷ phú Trung Dũng, Tiến Sĩ Khoa Học Điện Toán, sinh năm 1967, đến Mỹ năm 1985. Ông đã thành lập công ty OnDisplay (Kỹ thuật cao cấp) trị giá 1 tỷ 800 triệu Mỹ kim vào năm 2000 khi chuyển giao cho Vignette Corp của Hoa Kỳ. Trung Dũng đã trở thành Tỷ phú sau 15 học và làm việc tại Mỹ.
Về Triệu phú, nếu chỉ tính dựa vào số tiền bác và bất động sản trung bình thì cộng đồng người Mỹ gốc Việt có tới hàng trăm ngàn triệu phú thầm lặng, nhưng ở đây chỉ đề cập đến một số ít Triệu phú gốcViệt nổi tiếng tại Hoa Kỳ với năng lực kinh doanh và sự hào hiệp từ thiện.
- Triệu phú nổi tiếng nhất hiện nay là Bill Nguyễn, 35 tuổi, đã được hệ thống truyền thông MSNBC bầu chọn là người trẻ số 1 trong số 10 người có triển vọng nhất năm 2001, với nhận xét “Có khả năng làm thay đổi bộ mặt kỹ nghệ thông tin toàn cầu”. Báo Forbes chọn là một trong 40 người dưới 40 tuổi giầu nhất nước Mỹ. Bill Nguyễn làm chủ trang Web lala.com là một Siêu Thị bán CD ca nhạc lớn nhất thế giới.
- Triệu phú Nước Hoa, Jacquelyn Trần, 30 tuổi, Chủ Tịch Công ty Perfume Bay – Huntington Beach, Nam California, đã đạt doanh thu năm 2005 là 13 triệu Mỹ kim.
- Chủ Công Ty Xe Đò Hoàng ở California: ông Nguyễn Hoàng Linh, là người có sáng kiến bắc nhịp cầu lưu thông tiện lợi nhất cho người Việt tại hai miền Nam-Bắc California và các vùng phụ cận. Ông Nguyễn Hoàng Linh là một người Việt Tỵ Nạn, một Triệu phú cần mẫn và hào hiệp đối với các sinh hoạt của Cộng Đồng Người Việt Tỵ Nạn.
- Người Mỹ gốc Việt hiện có hơn 200 ngàn cơ sở kinh doanh thương mãi lớn, nhỏ trên toàn nước Mỹ (Thống kê năm 2000 – theo Báo Người Việt online).
- NGÀNH BẢO HIỂM: nhiều người gốc Việt cũng rất thành công trong nghề bán bảo hiểm các loại, đặc biệt là Bảo Hiểm Nhân Thọ. Tại California, trong Công ty New York Life có hai người thành công lớn đó là ông Lâm Hữu Kính và ông Nguyễn Vũ Trụ. Hai ông này đã được Công Ty New York Life phong những chức vụ điều hành cao cấp trong Công Ty và có thu nhập rất cao.
- NGHỀ ĐỊA ỐC: Người Mỹ gốc Việt đã tham gia rất sớm vào ngành kinh doanh nhà đất tại Hoa Kỳ.
Theo báo San Jose Mercury News, trong danh sách những người có giấy phép hành nghề địa ốc tại California, có khoảng từ 11 ngàn đến 12 ngàn người mang tên họ gốc Việt Nam, chiến gần 20% tổng số người Kinh Doanh Địa Ốc tại tiểu bang này. Riêng tại Vùng Vịnh, có khoảng 4,500 người làm địa ốc thì người gốc Việt làm toàn thời gian về Địa Ốc là từ 1,000 đến 1,200 người.
Tại tiểu bang Virginia (Miền Đông Bắc-Hoa Kỳ), ông Vinh Nguyễn, nhân viên của công ty địa ốc Westgate Realty Group, Inc, cho biết đây là công ty lớn nhất vùng Hoa Thịnh Đốn, có 175 nhân viên cộng tác mà một nửa là người Việt. Toàn tiểu bang này có khoảng 39 ngàn người kinh doanh địa ốc, ông Vinh Nguyễn đang giữ chức Treasurer/Secretary của Northern Virginia Association of Realtors. Năm 2009 ông là Chairman Elect của NVAR và năm 2010 ông là Chủ tịch chính thức. Hội có 1,300,000 hội viên.
Tại tiểu bang Texas, thành phố Houston, ngành Địa Ốc cũng phát triển khá mạnh. Công ty kinh doanh địa ốc lớn nhất là Century 21 Realty Solution, một trong 10 công ty địa ốc hàng đầu của Hoa Kỳ, người gốc Việt thành công nhất là bà Vicky Lam, được ban thưởng giải “Gương mặt điển hình ngành địa ốc 2007” do tạp chí Real Estate Executive bình chọn. Bà Vicky Lam định cư tại Mỹ năm 1980, tốt nghiệp Cử Nhân Kế Toán và làm về tài chánh tại Houston. Sau đó bà học về Kinh Doanh địa ốc và năm 2003 làm việc tại công ty Century 21 Realty Solution.
Tại miền Bắc California, ngành kinh doanh địa ốc cũng phát triển rầm rộ với những nhà địa ốc tên tuổi như Lan Robert, (24 tuổi) người Mỹ gốc Việt đầu tiên vào nghề năm 1976; Khổng Trọng Hinh từ năm 1984; Thảo Đặng (tức Đặng Ngọc Thảo) cộng tác với công ty địa ốc Mỹ Century 21 Alpha hơn 20 năm; Tony Đinh, Broker Consultant/President của Century 21 A-1 Network (từ San Jose đến Fremont, Santa Nella, Sacto, Rivebank, Stockton, Tracy, Fresno, Morgan Hill, Los Banos, Fairway Prk, Cadwallader, Brooktree, Brigadoon, Mt Eden, Santa Clara) đã hơn 20 năm.
Theo nhà kinh doanh địa ốc Thảo Đặng thì “Trong 100 người vào nghề chỉ có một đến hai người làm ăn khấm khá, khoảng 3% bám theo nghề, phần còn lại phải bỏ cuộc vì không chịu nổi sức ép. Số người thực sự thành công khoảng 10 người và 100 người đủ sống. Theo Thảo Đặng, thành công là có mức thu nhập từ 250,000 Mỹ kim trở lên.
- NGHỀ NAIL: Trong số các ngành kinh doanh, thương mãi của người Mỹ gốc Việt, có một ngành đã phát triển khá nhanh và đem lại thu nhập cao. Đó là nghề NAIL tức chăm sóc móng tay móng chân cho phái nữ. Thông thường người ta quen gọi là nghề Làm Neo (Nail) hoặc vắn tắt “Nghề Nail”, một nghề dễ học, tốn ít thời gian và học phí, nhưng có thể kiếm được nhiều tiền.
Sau khi thi chuyên môn và đậu được bằng hành nghề (State Board), thợ Nail có thể đi làm việc ngay tại các tiệm có tên là “Nail salon”, “Beauty Center” hoặc “Nail and Hair”, “Beauty Care” vân vân là những nơi chuyên chăm sóc sắc đẹp cho phụ nữ từ tóc, da đến móng tay, móng chân. Mức lương có thể từ $24,000 đến $42,000 một năm cho người đi làm công hoặc làm ăn chia với chủ tiệm.
Chủ tiệm thì thu nhập cao hơn vì họ đã đầu tư cơ sở nên có thể từ $72,000 đến $150,000 một năm tùy theo số bàn trong tiệm và số khách thường xuyên. Thợ Nail đi làm xuyên bang (đặc biệt là các tiểu bang miền Đông Bắc Hoa Kỳ) thường có thu nhập cao mà ít có cơ hội để tiêu pha nên dễ dành dụm được một số tiền lớn và trở nên giầu có. Nhiều chủ tiệm Nail cũng đã trở thành triệu phú và tiêu xài rất thoải mái.
Nghề Nail do người gốc Việt làm đã phát triển mạnh tại Hoa Kỳ. Đă có nhiều trung tâm dạy nghề và các trường Thẩm Mỹ do người Việt thành lập và điều hành để đào tạo thợ làm Nail, cắt tóc, chăm sóc da vân vân. Chẳng hạn như Trường Thẩm Mỹ ABC, đã thành lập trên 20 năm, tại Nam California, do Tâm Nguyễn (Marketing Director) và Ms. Linh (Education Director) điều hành, đã đào tạo hàng ngàn thợ Nail, mỗi năm.
Ngoài ra, người Việt cũng thành lập ra các công ty để thiết kế và cung cấp trang bị cho các tiệm Nail & Spa theo tiêu chuẩn thị trường Hoa Kỳ, chẳng hạn Công Ty T4 Spa Concept & Design tại California, đại diện là Michael Ngô. Công ty T4 Spa của Michael Ngô đã nghiên cứu thành công một kỹ thuật mới cho ghế Spa, bảo đảm an toàn vệ sinh, đó là Sanismart System. Trong nghề Nail và Tóc vấn đề vệ sinh phải đặt lên hàng đầu. Tiệm Nail thường phải sử dụng một số hóa chất có hại cho sức khỏe của thợ làm Nail, do đó, người Việt cũng đã lập ra các Công ty “Nail Supply” để cung ứng các thiết bị và hóa chất đời mới cho các tiệm Nail nhằm giảm thiểu sự độc hại.
Theo một tạp chí Nail Tech chuyên về Nail, xuất bản tại Nam California năm 2007, thì trên toàn quốc Hoa Kỳ có khoảng 80 ngàn thợ làm Nail với hàng chục ngàn tiệm Nail lớn nhỏ. Do cạnh tranh, hiện tượng phá giá để giành khách đã xẩy ra tại nhiều nơi, làm cho quyền lợi của thợ Nail bị ảnh hưởng xấu. Vì vậy, nhiều người đã mong muốn thành lập một Hiệp Hội Ngành Nail để có dịp ngồi lại với nhau, trao đổi kinh nghiệm và học hỏi lận nhau trong nghề nghiệp và bảo vệ quyền lợi của người làm Nail.
- Về học hành, cộng đồng Mỹ gốc Việt có 26.7% người chưa tốt nghiệp High School (Trung Học) và có 19.1% có bằng Cử Nhân (BA, BS), con số tốt nghiệp Cao Học (Master) và Tiến sĩ (Doctor, Ph.D) có thể lên tới hơn 100,000 người đang tham dự vào lực hượng các chuyên viên và chuyên gia trong các ngành khoa học, kỹ thuật Hòa Kỳ, nhiều người đã nắm giữ các chức vụ quan trọng về quản trị kinh doanh, sản xuất. Sau đây là một số người Mỹ gốc Việt thành công trong lãnh vực khoa học và kỹ thuật cao.
1. - Võ Đình Tuấn, sinh năm 1948, du học tại Thụy Sĩ, Tốt nghiệp Tiến sĩ Lý-Hóa-Sinh tại Đại Học Zurich. Sau 30-4-1975 ông qua Mỹ và trở thành một nhà khoa học và phát minh gốc Việt với 32 bằng phát minh trong các lãnh vực môi trường, Sinh Học và Y Học, được xếp hạng thứ 43 trong 100 thiên tài khoa học đương thời của thế giới, một trong bốn khoa học gia gốc Á có phát minh lớn và thiết thực.
2. - Bùi Tường Phong, sinh năm 1942 tại Việt Nam, qua Mỹ năm 1975 (gốc Bắc Việt di cư 1954), Tiến Sĩ Điện Toán Đại Học Utah với luận án “Illumination for Computer Generated Images” (Minh họa cho hinh ảnh trong máy điện toán) và sáng chế ra phương pháp “Phong Shading” thông dụng trong các chương trình đồ họa trên thế giới.
3. - Trịnh Xuân Thuận, sinh năm 1948 tại Hà Nội, một chuyên gia người Mỹ gốc Việt về Vật Lý Thiên Văn, được nhiều giải thưởng khoa học của Hàn Lâm Viện Pháp và của cơ quan UNESCO (Văn Hóa Khoa Học Liên Hiệp Quốc), hiện là giáo sư khoa học tại Đại Học Virginia, Hoa Kỳ. Ông vừa là nhà khoa học, nhà văn và triết gia với rất nhiều tác phẩm chuyên đề.
4. - Nguyễn Hữu Xương, sinh năm 1943, tại Việt Nam, Tốt nghiệp Bằng Kỹ Nghệ Điện Toán tại Marseille-Pháp năm 1955. Năm 1962, đậu Tiến Sĩ Vật Lý tại Đại Học Berkeley-California và về dạy tại Đại Học San Diego California. Ông đã phát minh ra máy “Xuong’s X-Ray Machine” dùng trong các bệnh viện Mỹ.
6. - Hồ Thành Việt, sinh năm 1955 tại Nha trang, qua Mỹ năm 1975, tên Mỹ là John Ho, tốt nghiệp Kỹ Sư Điện Toán. Ông thành lập Công Ty VNI (Vietnam International), sáng chế phần mềm bộ chữ VNI, đưa tiếng Việt vào computer tạo điều kiện dễ dàng và tinh vi cho ngành báo chí Việt ngữ, giúp ngành in ấn tiếng Việt nhiều thuận lợi. VNI là một đóng góp quan trọng trong việc duy trì và phát huy văn hóa Việt Nam. Ông Hồ Thành Việt là một sĩ quan Thủy Quân Lục Chiến Việt Nam Cộng Hòa, thuộc tiểu đoàn 7. Ông từ trần tại Mỹ ngày 28-8-2003.
7. - Eugene Trịnh Hữu Châu, (Eugene Trinh) sinh năm 1950 tại Sài Gòn, qua Pháp năm 1953 (lúc 2 tuổi), con út của kỹ sư Trịnh Ngọc Sang. Từ năm 1968, gia đình ông qua định cư tại Mỹ. Ông Eugene Trịnh tốt nghiệp Đại Học Columbia năm 1972, hoàn thành Cao Học Vật Lý và Triết Học các năm 1974 và 1975. Năm 1977, đậu Tiến Sĩ Vật Lý Ứng Dụng Đại Học Yale và năm 1979 vào làm việc tại cơ quan NASA, phòng thí nghiệm Sức Đẩy Phản Lực.
Ngày 25-6-1992 nhà Vật Lý Thiên Văn Eugene Trịnh Hữu Châu tham gia chuyến bay STS-50 của NASA vào không gian. Ông là người Mỹ gốc Việt đầu tiên chính thức bay vào vũ trụ trong chuyến bay dài 13 ngày 19 giờ 30 phút. Eugene Trịnh Hữu Châu hiện phục vụ tại cơ quan NASA, ở Thủ Đô Washington, Giám đốc phân ngành Khoa Học Tự Nhiên.
8. - Nguyễn Xuân Vinh, sinh tháng 1 năm 1930, tại Yên Báy, Bắc Việt Nam. Một nhà Toán Học và Khoa Học Không Gian xuất sắc người Mỹ gốc Việt. Hiện là Giáo sư Danh Dự về Khoa Học Không Gian của Đại Học Michigan, Hoa Kỳ.
Đã được các giải thưởng:
1994: “Mechanics and Control of Flight” của American Institute of Aeronautics and Astronautics”
1996: “Excellence 2000 Award” của Pan Asian American Chamber of Commerce
2006: “Dirk Brouwer Prize về Cơ Học Du Hành Không Gian của Hội American Astronautics Society.
Nguyễn Xuân Vinh từng là Tư Lệnh Không Quân Việt Nam Cộng Hòa thời chính phủ Ngô Đình Diệm, ông cũng là một nhà văn bút hiệu Toàn Phong với các tác phẩm “Đời Phi Công”; “Theo Ánh Tinh Cầu”; “Gương Danh Tướng”...
9.- Dương Nguyệt Ánh, sinh năm 1960 tại Việt Nam, tỵ nạn tại Mỹ năm 1975. Tốt nghiệp Kỹ Sư Hóa Học Đại Học Maryland, Khoa Học Điện Toán và Hành Chính Quốc Gia. Làm việc tại Bộ Quốc Phòng Mỹ với chức vụ Tổng Giám Đốc Khoa Học và Kỹ Thuật của Trung Tâm Vũ Khí Hải Quân (Naval Surface Warfare Center) Maryland, tiểu ban Chất Nổ. Bà là tác giả của Bom Áp Nhiệt “Thermobaric Bomb” rất hữu hiệu trong chiến tranh chống khủng bố tại Trung Đông. Khoa Học Gia Dương Nguyệt Ánh đã được các giải thưởng sau đây:
Năm 2000: “Dr. Arthur Bisson Award for Naval Technology Achievement”.
Năm 2001: “Civilian Meritorious Medal”.
Năm 2007: “Service to America Medal for National Security”.
Bà từng là Đại Diện của Hoa Kỳ tại NATO (Liên Minh Quân Sự Đại Tây Dương).
Lập trường quốc.gia, triệt để chống cộng sản. Bà là cháu ruột của nhạc sĩ Dương Thiệu Tước, thuộc dòng họ của Vân Đình Dương Khuê (bạn thân của cụ Nguyễn Khuyến, thế kỷ 19).
Về Quân Sự, người Mỹ gốc Việt đã có những sĩ quan ưu tú trong các binh chủng Hoa Kỳ như:
1. - Đại Tá Việt Lương, Tư Lệnh Lữ Đoàn 3 Tác chiến, Sư Đoàn 101 Nhảy Dù Hoa Kỳ. Ông Việt Lương đến Mỹ năm 1975. Tên Việt Nam đầy đủ là Lương Quốc Việt.
2. - Hải Quân Trung Tá Lê Bá Hùng, Hạm Trưởng Khu Truc Hạm USS Lassen (DG 82) đóng tại Nhật Bản. Nhậm chức ngày 23-4-2009. Lê Bá Hùng là con trai của Hải Quân Thiếu Tá Việt Nam Cộng Hòa Lê Bá Thông.
3. - Thiếu Tá Phạm Trần Anh Tuấn, Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ. Ông là con của Đại Úy Lực Lượng Đặc Biệt Việt Nam Cộng Hòa Phạm Ngọc Châu, đã hy sinh tại Núi Nhọn, Bà Rịa, khi Anh Tuấn mới 18 tháng.
4. - Elizabeth Phạm, nữ Đại Úy Phi công Phản Lực Chiến Đấu Quân Lực Hoa Kỳ.
5. - Nguyễn Cẩm Vân, nữ Đại Úy Bác sĩ phục vụ trên chiến hạm Hoa Kỳ Kitty Hawk.
Và rất nhiều sĩ quan các cấp trong các ngành khác như cảnh sát, bộ binh vân vân.
Về Chính Trị Dòng Chính (Main Stream) Hoa Kỳ: người Mỹ gốc Việt cũng đã bắt đầu tích cực dấn thân. Với sự thống kê chưa đầy đủ, chúng tôi có thể nhắc đến một số người như sau:
1. - Đinh Đồng Phụng Việt, sinh ngày 22-2-1968 tại Sài Gòn. Tên thường gọi ở Mỹ là Viet Dinh hoặc Viet D. Dinh hoặc Đinh Việt. Tỵ nạn tại Mỹ năm 1978. Đỗ Tiến Sĩ Luật Đại Học Harvard – 1993. Đã giữ các chức vụ: Giám đốc Chương Trình Nghiên Cứu Chính Trị và Luật Pháp Á Châu; Thứ Trưởng Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ (chính phủ George W. Bush) từ 31-5-2001 đến 2003, đặc trách “Office of Legal Policy”.
Việt Đinh là tác giả của “Patriot Act” một đạo luật chống khủng bố (sau vụ 11 tháng 9-2000). Hiện là Giáo Sư, Phó Khoa Trưởng Luật Khoa Đại Học Georgetown tại Thủ đô Washington D.C.
2. - Minna Nguyễn (Bộ Lao Động).
3. - Trần Thái Văn (Dân Biểu Tiểu Bang CA) đang ứng cử vào Quốc Hội Liên Bang.
4. - Hubert Võ (Dân biểu Tiểu bang Texas).
5. - Luật sư Joseph Cao Quang Ánh (Dân biểu Liên Bang gốc Việt đầu tiên tại Quốc Hội Hoa Kỳ) đại diện Louisiana.
6.- Nữ luật sư Trần Thị Bích Hồng: Ứng cử vào Thượng Viện Hoa Kỳ.
7. - Jacqueline Nguyễn được cử làm Thẩm Phán Liên Bang.
8. - Luật sư Tâm Bùi: ứng cử Thẩm phán Washington State.
9. - Phạm Xuân Quang, ứng cử Dân Biểu Liên Bang (đơn vị tại Nam Cali). Gốc là Thiếu Úy Phi công Hoa Kỳ, con của Thiếu tá Phi công Phạm Văn Hòa.
Và một số Nghị viên gốc Việt tại các Hội Đồng Thành Phố ở Orange County như Dina Nguyễn, Tạ Đức Trí, Andrew Đỗ, Andy Quách, Diệp Miên Trường, Giám sát quận hạt Jannet Nguyễn .vân.vân.; San Jose (Madison Nguyễn), Houston (Hoàng Duy Hùng). Đặc biệt tại Little Saigon, nghị viên Andy Quách đã vận động được Hội Đồng bỏ phiếu thành lập “No Communist Zone” (Khu vực cấm người cộng sản vào) để ngăn các phái đoàn Việt cộng không được đến Little Saigon.
TỔNG LUẬN
Qua những thành công của người Mỹ gốc Việt tại Hoa Kỳ được trình bày sơ lược trên đây, có thể nói hiện tại khối người Việt Hải Ngoại có rất nhiều tiềm năng và tiềm lực đối với hoài bão đem sức tài kiến thiết lại đất Tổ, đem ấm no hạnh phúc lại cho đại bộ phận dân tộc bằng các phương tiện bất bạo động. Họ mong chờ một ngày đẹp trời nào đó, những người theo chủ nghĩa Cộng sản nhìn ra thế giới, mở rộng tầm mắt và tỉnh cơn mê Xã Hội Chủ Nghĩa như nhân dân Liên Xô đã thức dậy cùng với Gorbachov, Yetsin... và các dân tộc Đông Âu để chế độ Cộng sản cáo chung trên giang sơn nòi giống Việt.
Căn cứ vào xu thế của lịch sử toàn cầu, đây không phải là một giấc mơ khó thành sự thật. Ai cũng thấy hiện nay Cộng sản Việt Nam đang tìm cách đi vào quỹ đạo Tư bản xanh qua ngõ Hoa Kỳ [sau khi ký Hiệp Ước Thương Mãi Song Phương với Mỹ, Cộng sản Việt Nam ra sức vận động để được gia nhập WTO: Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới].
Như vậy sớm hay muộn nền kinh tế thị trường mà Cộng sản Việt Nam bị buộc phải lựa chọn sẽ mặc nhiên từng bước đẩy lùi cái gọi là Định hướng xã hội chủ nghĩa vào quá khứ.
Trong mùa Xuân mới, những người Việt còn thao thức về dân tộc và quê hương đều có quyền hy vọng và cầu mong cho toàn dân Việt sớm có ngày ấm no, hạnh phúc với đầy đủ các quyền làm người như Tự Do, Dân Chủ.
Theo truyền thống dân tộc, ngày Xuân, chúng ta không nhắc đến những khuyết điểm vì sẽ mất vui. Tuy nhiên, chúng ta không thể nào không nói đến sự thiếu đoàn kết của các phong trào quốc gia tại hải ngoại. Với những tiềm năng về tài chánh, chuyên gia và trí thức lớn lao của người Việt hải ngoại, nếu chúng ta có sự đoàn kết trong lý tưởng đấu tranh cho Dân Chủ và Nhân Quyền tại quê nhà, để có sự thống nhất về tư tưởng và hành động, thì chắc chắn sẽ gây được ảnh hưởng hữu hiệu đối với nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam.
Chẳng hạn nếu cộng đồng người Việt hải ngoại cùng một lòng, quyết không để cho từ tâm bị lợi dụng qua các tổ chức gọi là từ thiện về lo làm trường học, giúp người nghèo, nuôi trẻ mồ côi, khuyết tật, chữa bệnh mù lòa, bệnh tim, bệnh thận vân vân, trong lúc các cơ quan nhà nước cộng sản có chức năng và bổn phận thì lại không quan tâm đến nhân dân của họ. Về vấn đề trẻ mồ côi, thử đặt câu hỏi “Trong thời đại không có chiến tranh, làm sao có thể có hàng trăm ngàn trẻ mồ côi?” Vì trong thời bình, không thể có hàng ngàn cha mẹ chết hàng loạt sau khi sinh con! Vậy thì nguồn trẻ mồ côi lấy đâu ra để người hải ngoại gửi tiền về nuôi nấng?
Từ hơn 30 năm qua, người Việt hải ngoại đã gửi về nước một ngân khoản khổng lồ từ 3 đến 7 tỷ Mỹ kim mỗi năm, đây là một thu nhập lớn lao của nhà nước cộng sản. Số tiền này đã góp phần nuôi dưỡng chế độ và tạo thêm tham nhũng. Nếu hạn chế số “ngoại hối” này thì chắc chắn cộng sản sẽ lúng túng ngay.
Do đó, nếu muốn đặt điều kiện đòi hỏi cộng sản Việt Nam thay đổi thể chế, cộng đồng hải ngoại phải khắc phục khuyết điểm “thiếu đoàn kết” và “đầu óc anh hùng cá nhân”.


NGUYỄN CHÂU (San Jose 2010)

Friday, February 5, 2010

Cựu Thiếu Tá Phi Công Quang Phạm Trình Bày: Dự Án Viện Bảo Tàng Vnch Tại Garden Grove

(Garden Grove) - Tối Thứ Ba ngày 24 tháng 11, 2009, trong phiên họp thường kỳ của Hội Đồng Thành Phố Garden Grove, Ông Quang Phạm, cựu Thiếu Tá Phi Công của Binh Chủng Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ và là Ứng Cử Viên Dân Biểu Liên Bang địa hạt 47, đã trình bày dự án và quyết tâm của ông trong việc thành lập Viện Bảo Tàng Tưởng Niệm Chiến Tranh Việt Nam đầu tiên để vinh danh các chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa cũng như các Đồng Minh Hoa Kỳ và các quốc gia khác đã tham dự cuộc chiến tại Việt Nam để bảo vệ lý tưởng tự do cho dân chúng miền Nam cùng những chứng tích của người dân Việt Nam trong cuộc chiến chống lại sự xâm lăng của Cộng Sản.
Trước mặt các thành viên Hội Đồng Thành Phố, Nhân Viên và các dân cư của thành phố Garden Grove, cựu Thiếu Tá Quang Phạm đã tạo ra một sự cảm xúc của những người dự thính khi nghe ông thuật lại tiểu sử của mình. Tiểu sử của cựu thiếu tá Quang Phạm gồm có những sự đóng góp trong những cuộc chiến vùng Vịnh Iraq 1991, và Somalia với vai trò nguy hiểm của một Phi Công máy bay trực thăng CH-46.
Ông Quang nhấn mạnh sự quan trọng đề nghị thành lập Viện Bảo Tàng Việt Nam tại thành phố Garden Grove, Quận Cam, nhất là vì thành phố Garden Grove có số dân cư Việt Mỹ cao nhất và thành phố Westminster bên cạnh đã có tượng đài Việt Mỹ. Ông nói cuộc chiến tại Việt Nam vẫn là một cuộc chiến tranh dài nhất và gây nhiều phân hóa nhất trong tất cả những cuộc chiến mà Hoa Kỳ đã dự phần. Những người cựu chiến binh của cuộc chiến này cần được quý trọng một cách tương xứng và càng ngày họ càng già lão và phôi pha với thời gian. Gần hơn 3 triệu người Mỹ, kể cả nhiều người gốc Nam Hàn, đã phục vụ tại Việt Nam nhiều người hiện đang sinh sống tại Quận Cam và nhất là thành phố Garden Grove . Trong địa hạt này của thành phố Garden Grove 11% là cử tri cựu chiến binh.
Ngoài ra hàng ngàn cựu quân nhân Việt Nam Cộng Hòa, những người đã từng chiến đấu một cách anh dũng trong cuộc chiến này và hàng ngàn người Nam Hàn đã từng là đồng minh của Mỹ trong cuộc chiến, họ cũng là những người hy sinh và chịu tổn thất rất nhiều trong cuộc chiến tại Việt Nam. Thành phố Garden Grove là một thành phố đặc biệt có nhiều người trong đủ mọi thành phần quân đội cũng như dân sự đã cống hiến một phần cuộc đời cho cuộc chiến Việt Nam hiện nay vẫn sống hiền hòa với nhau tại thành phố này.
Ông Quang cũng cho biết ông đã đi viếng thăm một số các viện bảo tàng trên đất Mỹ, và những sự quan sát này đã mang lại cho ộng một niềm hứng khởi đưa đến quyết tâm thực hiện một viện bảo tàng Việt Nam tại thành phố Garden Grove. Ông đã từng là diễn giã tại Đài Kỹ Niệm Chiến Sĩ Hoa Kỳ trong cuộc chiến Việt Nam tại Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn trong ngày lễ Cựu Chiến Binh. Ông cũng đã tham dự một cuộc gây quỹ để xây dựng Trung Tâm Giáo Dục được xây cất bên dưới Bức Tường Kỷ Niệm tại Trung Tâm Chứng Khoán New York. Và nhất là ông đã viếng thăm Viện Bảo Tàng Thủy Quân Lục Chiến tại thành phố Quantico, Virginia.
Ông Quang Phạm hiện là Thành Viên Quản Trị Hiệp Hội Tưởng Niệm Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ tại San Francisco, nơi mà tổ chức này có một khách sạn cho các cựu chiến binh và một Bức Tường Tưởng Niệm những người đã hy sinh tại chiến trường Iraq và Afghanistan. Ông cũng là thành viên trong Ủy Ban Tổ Chức Ngày Lễ Hoàn Tất Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ tại Westminster tháng Tư năm 2003. Ông vẫn tiếp tục đóng góp vào Trung Tâm Việt Nam tại Viện Đại Học Kỹ Thuật Texas, thành phố Lubbock. Và ông cũng đóng góp những tài liệu của thân phụ ông cho Bảo Tàng Viện Smithsonian trong phần trình bày Việt Nam. Ông vẫn tự hỏi tại sao chúng ta phải gởi những di tích này đến những nơi như Texas hay Hoa Thịnh Đốn, tại sao chúng ta không giử nó ngay tại chính thành phố này. Đó là lý do tại sao chúng ta cần có một Viện Bảo Tàng tại thành phố Garden Grove.
Ông nhấn mạnh để có thể làm được việc này, chúng ta cần có một Tổ Chức Vô Vị Lợi. Chúng ta cần kêu gọi sự đóng góp của nhiều thành phần. Việc cần thiết đầu tiên là chúng ta cần có một trang Mạng Điện Tử để phổ biến quan điểm thành lập Viện Bảo Tàng đi toàn khắp thế giới. Việc khó khăn là quyên góp tài chánh và ông đặt chỉ tiêu là sẽ khởi công xây dựng Viện Bảo Tàng này trong 3 năm tới để kịp khánh thành vào năm 2015 nhân kỷ niệm 40 năm Kỹ Niệm Tháng Tư Đen. Sau cùng nỗ lực xây dựng viện Bảo Tàng này phải là một nỗ lực vô tư với sự hợp tác của tư nhân và chính quyền thành phố Garden Grove.
Ông hy vọng trong năm tới nhân ngày kỷ niệm 35 năm Tháng Tư Đen là khởi điểm cho dự án này. Viện Bảo Tàng Việt Nam sẽ là một chứng nhân cho một sự hy sinh vô bờ bến của những người yêu chuộng lý tưỡng tự do và là cơ hội để nhiều thế hệ tương lai học hỏi những kinh nghiệm can trường và dũng cảm của thế hệ ông cha mình.

Wednesday, December 23, 2009

Ban Toi Thieu Uy Hue




Bạn tôi: Thiếu Úy Huệ
Friday, October 17, 2008 Bookmark and Share


Truyện của Phạm Hòa


Nó nằm trên giường đôi mắt mở to, bên cạnh hai người đàn ông già, cái giường bên phải của một người không biết nói tiếng Anh, chuyên đi qua lại dơ ngón tay cái lên và nói “very good, very good.” Có lẻ ông ta là người Armenian, vì khu vực Glendale phía Bắc của thành phố Los Angeles là khu vực tập trung của người di dân Armenian. Người đàn ông bên tay trái là người da trắng địa phương có đôi mắt kính cận dày cộm, nằm im lặng nhắm mắt bất động, có lẽ chẳng còn gì để nói.

Cậu nhỏ mặc bộ đồ y tá màu xanh nước biển người Phi bước vào phòng, đi thẳng vào chỗ treo cái đồng hồ trên tường điều chỉnh giờ, để lộ hai cùi chỏ xâm hình màn nhện màu xanh loại mực Tàu. Cậu quay lại nhìn người lạ ngồi cạnh nó và chào, khuôn mặt Á Châu hiền hậu. Nhưng trước khi vào đây làm, chắc cậu ta cũng một thời sóng gió ngang tàng trong các băng đảng một vùng nào đó của thành phố này. Cậu cứ lui hui tìm cách điều chỉnh giờ của cái đồng hồ treo tường. Thấy vậy, người đàn ông da trắng mở mắt ra với giọng nói trầm và ồ ề, lập đi lập lại nhiều lần “no battery, come on, the clock got no battery, can you see?” Hai ba người đàn ông bên hành lang dừng lại và cùng nói một lúc “that's right, no battery”. Trong khi đó, từ một phòng khác thật xa vang vọng tiếng của những người già khác la hét thật lớn như cố gắng trút hết nỗi ưu phiền của mình. Âm thanh vang dội qua cái hành lang dài nực mùi khai và hôi của một ngày nóng hơn trăm độ và tiếng la hét vẫn tiếp tục như chẳng ai màng để nghe. Thỉnh thoảng có một vài người ngồi trên xe lăn đẩy vào knob cửa trên tường để tìm cách di chuyển cái xe nặng nề. Một người đàn bà tóc bạc trắng lưng còm gần như song song với mặt đất di chuyển phía sau cái xe lăn.


Cậu y tá chẳng buồn trả lời, và đang tìm cách điều chỉnh giờ vì tối hôm qua đổi giờ vào nửa đêm, bây giờ đã bốn giờ chiều cậu ta mới đến. Cái đồng hồ này trên mặt kính còn có một cửa sổ nhỏ cho ngày và tháng. Ðiều chỉnh xong, nhìn đồng hồ, cậu y tá quay lại chào trước khi rời khỏi phòng.


“Mày nhớ hôm nay đúng ba tháng từ ngày mày bị stroke lần đầu tiên không?” Nó gật đầu và đôi mắt liên tưởng nhìn thật xa vời vợi. Từ đó đến nay, nó đi chuyển từ nhà thương này đến nhà thương khác, rồi bây giờ nó nằm ở cái run down Convalescent Hospital tồi tệ này. Hôm trước Noel, nó nhớ hôm đó ngày 11 Tháng Mười Hai, cơn stroke đầu tiên đã đến với thân thể nó. Từ Orange County, nó cố gắng lái xe về Monterey Park nơi nó ở, đoạn đường bình thường chỉ khoảng nửa giờ đồng hồ lái xe trên xa lộ, nhưng hôm nay thật khó khăn vô cùng. Toàn thân bên trái tê liệt, may còn cái chân phải để đạp ga và thắng cũng như cái tay phải quậy qua, quậy lại, thế mà nó cũng lết về đến nhà. Chực nhớ lại đứa em gái là y tá, nó bèn gọi đến, đầu dây bên kia trả lời “đi nhà thương gấp anh bị stroke rồi.” Vậy mà nó cũng lết cái xe lộc cộc, cũ nát đến El Monte Community Hospital, không biết họ có chữa trị gì không? Nó được xuất viện và người ta đề nghị nên đến USC Medical Center ở dưới Los để tiếp tục điều trị may ra nó còn sống, chứ cái nhà thương cộng đồng này nổi tiếng là Roach Hotel “Check in and never check out” như là one way ticket loại “đi tàu suốt.” Rồi nó lại liên tưởng đến...

Nó nhớ lại ngày xưa đi “nhảy toán” ít ra cũng có hy vọng trở về dù là mong manh, lần nhảy toán điều động và chứng kiến trận đánh bom cuối cùng của B52 trong vùng lưỡi câu của Cam Bốt. Hôm đó là ngày 27 Tháng Giêng năm 1973 nhưng vì Hoa Kỳ đi sau Việt Nam một ngày -Hoa Kỳ vẫn còn ngày 26- và Hiệp Ðịnh Ba Lê vẫn chưa có hiệu lực, các Pháo Ðài Bay B52 đả tập trung dành hết mọi phi vụ cho trân không kích cuối cùng này. Lúc đó, nó phục vụ ở Ðoàn Công Tác 68 Sở Công Tác thuộc Nha Kỹ Thuật. Khu vực Long Thành và Quân Ðoàn 3 cũng như Cam Bốt là vùng trách nhiệm của nó.

Toán nó vào vùng trước đó một ngày sau khi nhận dạng và xác nhận mục tiêu, tọa độ đã thuyết trình tại khu cấm trước ngày xâm nhập. Nó liên lạc và báo cáo với hai lần tư tưởng cho biết chi tiết tọa độ và sinh hoạt trong vùng. Chỉ một thời gian ngắn sau đó, từng đợt và từng đợt B52 tới tấp vào mục tiêu, đâu đây nó còn nhớ văng vẳng bên tai trên ống liên hợp của máy PRC-25 zulu zulu zulu. Nó hối hả trả lời “nhận 5” roi nhét cái ống liên hợp trong cái balô của người truyền tin mang máy và cắm đầu chạy. Lúc bom nổ, nó nằm dưới đất chống tay theo kiểu hít đất, toàn thể mặt đất rung chuyển và chấn động dội vào khắp mọi nơi trên thân thể. Tai nó ù lên và hơi thở nén lại như vỡ tung lồng ngực theo từng đợt liên tục của trận oanh tạc. Toán của nó lồm cồm bò dậy và chạy thật nhanh ra khỏi vùng đánh bom mà nó đã chấm tọa độ báo cáo về hai lần tư tưởng của nó hôm qua. Cứ chạy rồi nằm, lập đi lập lại không biết bao nhiêu lần. Khi toán nó được triệt xuất, mấy người đi đón toán chẳng còn nhận dạng ra tụi nó là ai cả. Từ xa, cả toán của nó như những bóng ma hiện về áo quần tả tơi trộn lẫn đất và bùn khô xám nghịt, miệng há hốc không nói được tiếng nào, không biết là nỗi mừng rỡ hay những tràng bom B52 đã xé nát lồng phổi và cuống họng của nó. Anh Ba cứ nhắc đến chuyến đánh bom B52 nầy mà anh chứng kiến từ lúc toán xâm nhập cho đến lúc triệt xuất. Anh Ba nói đâu phải đi một chuyến này thôi. Từ khi nó tình nguyện vào Biệt Kích cho đến nay, nó không còn nhớ bao nhiêu chuyến công tác nó đã đi qua, chỉ nhớ lờ mờ nó đi khóa 5/70 Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Ðức, lúc đó nó được 23 tuổi, nhưng trước đó nó đã gia nhập quân đội không biết là năm nào, sau đảo chánh ông Diệm vài năm là nó đã đi lính rồi. Sau Ðệ Nhị Thế Chiến được hai năm thì thân mẫu nó hạ sinh ra nó trong Chợ Lớn. Gia đình cũng khá giả lắm, nhưng nó lại chọn kiếp trôi nổi làm trai thời chinh chiến. Nó nói đi lính nào cũng chết mà chết là hết, nhưng sống ngang tang tang bồng hồ thỉ cho thỏa chí trai. Rồi nó tình nguyện vào Biệt Kích thử lửa một lần cho biết.


Hồi đó, nó còn nhỏ lắm, nó nhỏ tuổi mà người cũng nhỏ con. Mấy thằng Mỹ trong toán thằng nào thằng nấy cao lêu khêu. Nó không là thông dịch viên nhưng nó nói gì mấy thằng Mỹ cũng hiểu hết. Nó rất thông hiểu lịch sử thế giới và nhất là lịch sử Việt Nam cũng như Trung Hoa cái thời của Tưởng Giới Thạch và trước đó là Mao Trạch Ðông. Nó kể chuyện chi tiết và dẫn chứng rõ ràng cũng như những dữ kiện lịch sử của Ðệ Nhất và Ðệ Nhị Cộng Hòa. Rồi hơn ba mươi năm đi qua, những gì đã xảy ra chung quanh cuộc sống của nó tại Hoa Kỳ cũng như những gì đã đi qua trong cuộc chiến vẫn đeo đuổi lấy nó. Ðôi mắt lim dim, nó liên tưởng đến một nơi nào xa lắm.


Hôm đó trưa ngày 29 Tháng Tư. Thằng bạn nó lui hui nhặt mấy cây súng bỏ ngổn ngang trong mấy dãy nhà tạm trú ở kho 18 bên Khánh Hội. Nó hỏi: “Sao mày về đây được hay vậy? Tao nghe mầy ở tù trên Tổng Tham Mưu phải không?” “Ừ, tao bị gửi lên nằm trên Ðại Ðội 1 Tổng Hành Dinh của Tổng Tham Mưu từ hôm Dinh Ðộc Lập bị mấy thằng phi công nằm vùng đánh bom đến nay.” “Cái lúc dầu sôi lửa bổng mà mày nằm trên đó thật phiêu lưu, ở đây anh em mình đi nhảy trên Lái Thêu Bình Dương cũng như chung quanh Biệt Khu Thủ Ðô, người ta tìm đường đi ra nước ngoài nhiều lắm...”


“Có, tao biết chớ, tao nằm kế phi trường Tân Sơn Nhất ngày nào cũng đến phi vụ C141 lên xuống thấy mà não ruột, cả tháng nay không có tin tức gia đình. Ông già tao ở Chi Khu Gò Vấp kế bên đây mà không sao có phương tiện liên lạc được. Hồi nẫy lúc vô cổng trại mấy đứa báo tin gia đình tao leo lên một chiếc tàu đánh cá đi vô Vũng Tàu rồi. Lúc ở trong Tổng Tham Mưu trưa nào tao cũng ra dưới tàng cây kế phòng giam, kể chuyện nhảy toán cho mấy chàng Quân Cảnh nghe, ngày nào cũng vậy, gần hết đề tài mà chẳng thấy ai vô lãnh tao về. Tối hôm qua, tụi nó pháo kích vô phi trường Tân Sơn Nhất và mấy trái pháo lạc qua Tổng Tham Mưu kế chỗ tao nằm. Hồi sáng nầy, Quân Cảnh 207 đến Tổng Hành Dinh lãnh tao ra bỏ ngoài cổng, may mà tao còn bọc “trái mini” trong túi mặt nạ, dí xe ôm về đến Bộ Chỉ Huy Nha trên trường đua Phú Thọ. Vậy mà tao phải chờ cả tiếng đồng hồ ông trung úy phát lương moi ngủ trưa dậy, tao cũng lãnh được nửa tháng lương, còn nửa tháng kia họ đóng tiền cơm trong tù. Tao nói bao nhiêu cũng được. Lúc đi ra kiếm cái thằng xe ôm trả tiền thì nó đã đi mất từ lúc nào. Nhìn qua trường đua tao thấy mấy anh em mình dưới Trung Tâm Huấn Luyện Yên Thế Long Thành về khui quân trang, quân dụng ở kho 50 trong nha, và đang cùng với đơn vị Biệt Ðộng Quân chất bao cát ngoài trường bãi cỏ trống giữa trường đua. Tao đón xe ôm về dưới Khu Quốc Tế, không ngờ gặp đông đủ anh em mình mấy đứa nhỏ trong xóm Ðổ Quang Ðẩu-Phạm Ngũ Lão bu lại mừng rỡ và xin đồ kỷ niệm. Nó nói anh đi kỳ này không biết bao giờ mới về. Tao cho tụi nó chục trái lựu đạn M26, rồi nhảy lên xe jeep về dưới này. Thôi mày xuống mấy chiếc tàu đổ bộ của quân vận đậu ngoài sông, người ta bảo tối nay sẻ đi Phú Quốc hoặc về dưới vùng bốn tử thủ. Tối hôm qua mà đi thì mày kẹt lại rồi, tao thấy mấy toán đi bốc mấy tay bự trên Sài Gòn tới khuya vẫn chưa về, và anh em mình nhiều toán còn kẹt lại ở Lái Thêu Bình Dương, cũng như một số đi bộ về đến chi khu Gò Vấp cũng chưa về kịp. Hồi sáng nầy có một toán về đến Ngã Ba Hàng Xanh, mấy người dân cứ tưởng là Việt Cọng về đến rồi. Lúc trưa, xe của mình rước Toán về đến Bến Bạch Ðằng xém bị Phòng Thủ của Hải Quân bắn. Nhờ tụi nó la lớn 'bạn, bạn, bạn,' và giơ bản đồ và panô lên bên kia mới mở hàng rào cho đi... Tối hôm đó, đoàn tàu di chuyển cả đêm, phía bên phải kho đạn thành Tuy Hạ bị nổ tung, cháy sáng cả một góc trời. Ðoàn tàu đi cả đêm mãi sáng hôm sau mới ra đến hải phận quốc tế, nó nhớ hết. Hai cái stroke cộng một cái heart attack, máu bầm đọng lại hơn sáu mươi phần trăm phía sau não bộ của nó, mà nó vẫn còn nhớ rõ ràng, tuy nó không nói được chỉ gật đầu. Và thỉnh thoảng nó cố gắng ngọng nghịu một vài câu nhưng trong tiềm thức nó tất cả những gì xảy ra nó nhớ rõ ràng và chi tiết lắm. Ðôi khi nó nhìn thật xa và cố nhớ lại tất cả như một đoạn phim trắng đen quay chậm.

Từ những ngày đầu di tản, nó đã phụ giúp công việc an ninh di chuyển người tỵ nạn tại Subic Bay, Philippines, Phi Trường Quân Sự tại đảo Guam, rồi đến đảo Wake nó cũng phụ giúp công việc an ninh tại phi trường. Ngày nào nó cũng mang về một bịch rác to lớn chứa đựng những đồ quý rồi mang cho lại những cụ già nào là ống quấy, trầu, cau, vôi, dầu nhị thiên đường, dầu cù là con cọp, dầu gió xanh Bác Sĩ Tín, đủ loại đồ lặt vặt trong cái bịch to tướng mà các quân nhân An Ninh Hoa Kỳ tịch thu tại phi trường. Họ đâu biết đây là những đồ quý giá nhất thời bấy giờ, nhất là những cái ống quấy của các cụ ăn trầu. Mỗi lần nó xách cái bịch nylon clear màu trắng về, bà con chạy ra, nó giống như những anh hùng vừa mới lập chiến công trở về. Ngày nào cũng vậy, thỉnh thoảng nó kéo một số anh em đi tuần tiễu quanh đảo Wake với quân cảnh Mỹ để bảo vệ an ninh cho đồng bào tỵ nạn, suốt mấy tháng ở bên đảo cho đến ngày đóng cửa. Sau về trại Pendleton của Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ nó cũng đi làm trên Processing Center kiếm từng cái áo, cái quần, giầy dép cho anh em. Ngày nào cũng vậy, nó đi từ sáng sớm đến tối mới về, mỗi đêm nằm trên ghế bố lót hai ba cái mền mà cái lạnh nó xuyên thấu xương trên mấy dãy lều thiết kế dưới thung lũng trong căn cứ Huấn Luyện Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ. Cái lạnh về những ngày cuối Thu, nhưng có lẽ lạnh nhất vẫn là cái cô đơn của những kẻ vừa trải qua một cuộc chiến dài, nằm liên tưởng đến những tháng ngày tương lai vô định trên xứ lạ, và tiếp tục cho đến ngày ra trại. Tuy vậy, anh em độc thân vui tính lúc nào cũng chọc ghẹo nhau và vui cười. Sau cái ngày ra trại mỗi đứa một nơi, người tỵ nạn được định cư rải rác khắp nơi trên Hoa Kỳ. Không biết do cơ duyên nào đó tất cả lại tập trung tại Los Angeles, khu vực người Mễ và Ðại Hàn góc đường Vermont và đường Số Chín nầy, rồi anh em cũng quay quần bên nhau nơi cái thành phố định mệnh gió.


Hôm Thứ Hai, một tuần sau ngày bị stroke, nó nhờ một người bạn đưa vào USC, và từ đó đến nay hết nhà thương, đến trung tâm hồi lực rồi về lại nhà thương, qua trung tâm hồi lực rồi cuối cùng nó nằm tại cái bệnh viện tàn tạ dành cho những người già bệnh hoạn cuối đời nầy.

Còn ba ngày nữa đến Noel. Cả tháng nay êm ru không thấy nó gọi. Tôi đang đi sửa xe dưới Orange County. Trời cũng vừa tắt nắng. Bỗng điện thoại rung lên, bên kia đường dây như mật khẩu thường lệ “có gì lạ không?” nó nói theo cái kiểu nửa Việt, nửa Tàu của nó. “Tao cũng thường, mấy đứa nhỏ học ra trường đi kiếm việc làm trên Oxnard, bị bà già Mỹ đụng xe bung air bags, bể bình nước, xe kéo về Amarillo bỏ trên đó, tao đang đi kiếm cái xe chạy tạm, mầy khỏe không?” Nó trả lời thật rõ ràng: “Tao bị stroke nằm nhà thương hai tuần nay, cái điện thoại hết pin, hồi sáng nầy vợ chồng thằng Craig đến thăm, con vợ nó ngồi đây còn thằng chồng chạy xuống phố kiếm cho tao cái đồ charge pin, nhờ vậy tao mới gọi cho mày được”. “Mày đang ở nhà thương nào?” “Tao cũng không biết, nó nằm gần Los, khu của người Mễ Tây Cơ, gần freeway 710 qua khỏi Los”. “Mày có số điện thoại ở đó không?” “Tao không có. Mà hình như nó tên là Rancho Amigo gì đó”. “Thôi được, tối nay về nhà tao sẽ lên trên net kiếm, thế nào cũng tìm ra. Mày nhớ charge điện thoại, ngày mai tao lên sớm, tao sẽ gọi trước khi đi.” Và từ đó đến nay nó không còn nói được nữa.


Ngày hôm sau, còn hai ngày nữa thì đến Noel. Khi đến nhà thương, tôi thấy nó ngồi trên giường hớt hải phân trần ngọng nghịu. Mâm đồ ăn đặt trên một cái bàn nhỏ loại di chuyển trên giường dành cho bệnh nhân. Ðồ ăn vung vãi một nửa trên giường còn một nửa ở dưới đất, thức ăn được xoay nhuyễn dành cho những bệnh nhân sau khi stroke để tránh bị sặc khi nuốt. Trên tấm ra trải giường nhàu bốc lên mùi đồ ăn, mùi phân và nước tiểu lẫn lộn. Khuôn mặt nó thật hãi hùng, quầng mắt thâm sâu, đôi mắt đỏ và lờ đờ, râu lởm chởm khắp nơi trên khuôn mặt. Nó cố gắng phân trần và giải thích một điều gì đó... Tối hôm qua sau khi phổ biến hung tin và số điện thoại, anh em gọi thăm, nó đâu có nói chuyện được. Cái điện thoại cầm tay của nó rớt xuống giường mà không sao nó lấy lên được. Nó vẫn tiếp tục hớt hải và phân trần, một lúc sau mới kiếm ra cái điện thoại, trấn an và tìm cách nói chuyện với y tá nhà thương. Sau này mới biết tối hôm qua nó vừa bị một cơn stroke lần thứ hai.

Hôm nay là Christmas Eve. Nhân viên nhà thương le que có mấy người, chẳng thấy bác sĩ hoặc y tá, chỉ có mấy người phụ dọn dẹp cho bệnh nhân. Từ sáng đến giờ chẳng thấy nhân viên của nhà thương, chẳng thấy thuốc men. Trên giường có một miếng giấy với hàng chữ quen thuộc của một anh bên Lôi Hổ vừa đến thăm, chắc là anh nhận được nhắn tin trên e-mail tối hôm qua. Trên bàn, một con teddy bear của một người bạn đến thăm hôm qua, bình hoa màu xanh và bao giấy nhôm màu đỏ như nhắc nhở Noel đã đến. Buổi trưa, một bác sĩ người Á Ðông đến nhưng để thăm người bệnh nhân da màu giường kế bên, và ông cho biết bác sĩ của nó sau Noel mới làm việc trở lại. Người đem cơm đỡ nó ngồi dậy và tìm cách đút thức ăn cho nó, những đồ ăn đã được xoay nhuyễn, nhưng nó tìm cách phun ra, vì lưỡi nó không còn điều khiển để nuốt đồ ăn. Mâm đồ ăn còn nguyên vẹn được mang đi, nó cố gắng nói với những lời ngọng nghịu cho đến buổi chiều.

“Tao phải về, mày nằm đây nghỉ. Tối nay là Noel, mầy biết không? Thôi mày nằm nghỉ cho khỏe, ngày mai tao lên sớm.” Lúc tôi ra về, nó cố gắng tiếp tục phân trần, như muốn giữ tôi lại, cho đến tôi khi rời khỏi khu vực bệnh nhân.

Bên ngoài, trời bắt đầu lạnh. Ðèn Noel trên các nóc nhà cháy sáng. Tiếng nhạc rền dứt khoảng từ chiếc radio cũ kỹ qua cái loa rè rè vì đã rách. Bản nhạc “Ðêm Ðông Lạnh Lẽo” từ một đài phát thanh địa phương trỗi lên. Ðiếu thuốc tôi đốt nửa chừng rồi lại quăng đi. Mùi vị đắng nghét của một gói thuốc cũ lâu ngày hôi mốc như một quãng đời dang dở không trọn vẹn đã đi qua. Như cuộc đời của nó trong đêm Noel lạnh lẽo nầy.


Năm nay, chẳng có cây Noel, chẳng có quà vặt. Ba mươi mốt cái Noel trên xứ Mỹ nầy bao nhiêu cái Noel đã đi qua như cuộc đời nó nằm đây mà tất cả đều trống vắng, duy chỉ còn lại cái hạnh phúc của hơi thở, của sự sống và một ngày lại đi qua.


Sau Noel một ngày, nhà thương sinh hoạt thật tấp nập, kè đi qua người đi lại tất cả thật nhộn nhịp. Nó nằm trên giường với một miếng band-aid dán qua sống mũi, miệng của nó máu khô đọng lại từ tối qua. Người ta cho biết tìm thấy nó mặt úp nằm sõng sượt trên sàn nhà vào sáng sớm, không biết tối hôm qua nó muốn đi đâu? Tay chân bên trái của nó tê liệt do stroke lần đầu tiên. Stroke lần thứ hai đã tàn phá phần còn lại của thân thể nó. Không biết trong giấc mơ hiện về tối qua những gì đã xảy đến cho nó, không ai biết đến luôn cả chính nó. Viên bác sĩ của nó gọi bác sĩ chánh của nhà thương, và một vài bác sĩ thực tập đi cùng tất cà bác sĩ nhìn thấy nó đều lắc đầu. Và họ ra dấu hiệu chuyển gấp nó về USC để điều trị, tình trạng sức khỏe nó sa sút một cách trầm trọng.


Nó được đưa từ phòng hồi sinh thường, cho đến phòng hồi sinh loại nặng. Một tuần đã đi qua. Một đêm, điện thoại reng. Bác sĩ trực của nó muốn nói chuyện riêng với thân nhân. Người ta vô cho nó hai bịch máu, và không biết nó mất máu chỗ nào? Nhà thương thí USC là nơi quy tụ tất cả bác sĩ thực tập, cứ vài ngày là bác sĩ thay đổi. Và cuộc đời nó cũng vô định như những câu hỏi không bao giờ được trả lời.

Một hôm, trung tâm hồi lực thông báo người ta sẽ di chuyển nó đến một viện dưỡng lão nào đó trên vùng Los Angeles. Nó chẳng có bảo hiểm sức khỏe, chẳng nó Medical, tất cả phần chữa trị của nó tương đương với những kẻ vô gia cư hoặc tù nhân của thành phố nầy. Một hôm, tôi đến thăm và thấy hồ sơ bệnh nhân của nó trên bàn y tá màu đỏ chói. Tôi nhìn trên tường và thấy có miếng giấy cấm tiếp xúc với bệnh nhân, sợi dây xích hai chân của người bệnh vào song giường. Thỉnh thoảng, người cảnh sát vào phòng nhìn vào sợi dây xích rỗi đi ra. Nó chưa đầy sáu mươi, và cuộc đời gian truân và cái anh hùng tánh cũng theo đuổi suốt cuộc đời của nó...


Phạm Hòa

Tan Nien Nha Ky Thuat 2004


Ái Hữu Nha Kỹ Thuật họp mặt tân Xuân
Saturday, January 31, 2004 Bookmark and Share
Nguyên Huy


Chiều tối hôm Thứ Sáu cuối tuần qua, tại nhà hàng Emerauld Bay, trên hai trăm anh em cựu chiến binh của Nha Kỹ Thuật đã có một buổi họp mặt Tân Xuân để cùng nhau nối chặt tình thân chiến hữu ngày nào. Có mặt đông nhất là những anh em thuộc các chiến đoàn của Sở Công Tác và Sở Phòng Vệ Duyên Hải, những đơn vị trực tiếp chiến đấu của Nha Kỹ Thuật.


Cuộc họp mặt đã diễn ra trong một không khí thân mật với sự hiện diện của một số niên trưởng Sở Công Tác, Sở Tâm Lý Chiến, Sở Không Yểm, Hải Yểm. Trong phần văn nghệ giúp vui, nhiều tiết mục “cây nhà lá vườn” đã thể hiện được cái tinh thần của những người chiến sĩ đã chiến đấu trong âm thầm ngày nào. Và bản hợp ca Chiến Sĩ Vô Danh đã thể hiện lên cái tinh thần ấy nên anh em đã rất hăng say ca hát mỗi khi có dịp gặp mặt nhau.


Nha Kỹ Thuật, một danh xưng để che giấu những công tác bí mật về tình báo chiến lược của QLVNCH. Trong biên chế tổ chức Nha Kỹ Thuật được coi như một sư đoàn bộ binh. Nha Kỹ Thuật phụ trách nhiều công tác trong cuộc chiến Việt Nam. Về quân sự thì có những đơn vị phụ trách các toán ngắn hạn ở miền Nam thuộc Sở Liên Lạc với những chiến đoàn, dài hạn như các toán biệt kích nhảy Bắc, những toán Biệt Hải thẩm nhập dọc bờ biển miền Bắc thuộc Sở Công Tác Và Phòng Vệ Duyên Hải. Nhiệm vụ chính của các toán này là thu nhặt tin tức tình báo về tình hình xâm nhập của địch tại các biên giới Việt Mên Lào (ngắn hạn) và tình hình dân chúng, kho bãi, cơ sở cầu cống v.v.. tại miền Bắc (dài hạn) để báo về trung ương tùy theo tình hình mà từ đó những cuộc oanh tạc của B.52 hay Không Lực Việt Mỹ được thực hiện. Sự chiến đấu của các chiến sĩ này vì thế mà phải âm thầm để bảo toàn bí mật quốc phòng. Những chiến thắng của họ thường không được phổ biến. Do đó sự hy sinh của họ thường là lớn lao cũng không được công bố ngay cả trong phạm vi QLVNCH.


Nha Kỹ Thuật còn một sở Tâm Lý Chiến gồm ba phòng là Phòng Lừa Ðịch, Phòng Ấn Loát và hai đài Tiếng Nói Tự Do, Gươm Thiêng Ái Quốc. Phòng Lừa Ðịch có nhiệm vụ phá hoại hậu phương địch qua những liên lạc thư từ giữa hai miền Nam Bắc qua ngả Pháp Quốc và một số những thành viên của Ủy Ban Quốc Tế Kiểm Soát Ðình Chiến theo quy định của Hiệp Ðịnh Genève1954. Phòng Ấn Loát chuyên in truyền đơn thả xuống miền Bắc cũng như các phần quà như khung xe đạp và Radio nhỏ cùng nhiều vải vóc, áo quần trẻ em... Hai đài phát thanh, một là hình thức Xám là Tiếng Nói Tự Do và Ðen là Gươm Thiêng Ái Quốc. Cả hai đài đều có đối tượng là dân chúng miền Bắc đang phải sống dưới chế độ cộng sản. Riêng Ðài Gươm Thiêng Ái Quốc lấy danh nghĩa là tiếng nói của các cán bộ cộng sản ly khai Ðảng và đã kết hợp với nhau thành Mặt Trận Gương Thiêng Ái Quốc, tượng trưng bằng Lưỡi Gươm Vàng của Vua Lê Lợi trên nền đỏ. Ðài Gươm Thiêng Ái Quốc có làn sóng ngắn phủ hầu hết các tỉnh miền Trung và một phần miền Bắc, thường loan các tin tức có thật của từng địa phương các tỉnh ven biển miền Trung, Bắc vĩ tuyến do các toán Biệt Hải xâm nhập thu lượm được hay tạm bắt các ngư phủ miền Bắc về khai thác tại đảo Phượng Hoàng ngoài khơi Ðà Nẵng. Nơi đây được tổ chức như một chiến khu của các cán bộ cộng sản ly khai. Chính vì sự tổ chức như vậy nên Ðài Gươm Thiêng Ái Quốc đã rất có uy tín với người dân các địa phương này, mặc dù dân chúng nghèo khổ ít ai có được cái đài. Nhưng nếu có một người nghe được thì lại rỉ tai nhau thông báo tin tức cho nhau biết.


Còn Ðài Xám Tiếng Nói Tự Do thì lại có một chương trình phản chiến phát thanh 24, có khi 28 tiếng một ngày. Những tiết mục như “Tâm tình với anh bộ đội” do ca sĩ hàng đầu Thái Thanh phụ trách hay “Tâm Tư Về Sáng” do nữ nghệ sĩ Bích Thủy phụ trách là những chương trình làm rã rời tinh thần chiến đấu của binh sĩ cộng sản miền Bắc khi phải sinh bắc tử nam. Những chương trình này đã khiến binh lính cộng sản về hàng trong các đợt chiêu hồi đến hơn hai trăm ngàn người. Một vị sĩ quan từng một thời coi Sở Tâm Lý Chiến kiêm Quản Ðốc Ðài Tiếng Nói Tự Do là Trung Tá Ðặng Xuân Thoại đã tuẫn tiết vào sáng ngày 30 tháng 04 năm 1975 tại bệnh viện St. Paul trong khi một số quân cán chính Ðài TNTD thoát chạy được. Cái chết của vị trung tá Tâm Lý Chiến Nha Kỹ Thuật này đã làm vẻ vang cho những chiến sĩ của nha còn lại ở trong nước và bị cộng sản cầm tù trong các trại tập trung cải tạo. Chỉ tiếc rằng nay ở hải ngoại, sự tuẫn tiết của Trung Tá Ðặng Xuân Thoại lại ít được anh em Nha Kỹ Thuật nhắc tới trong những dịp họp mặt. (N.H.)

Sunday, August 30, 2009



Kenneth L. Worley (April 4, 1948 – August 12, 1968) was a United States Marine who was posthumously awarded the Medal of Honor for heroism in Vietnam. On August 12, 1968, Worley sacrificed his own life when he threw himself on a grenade to save the lives of several fellow Marines.

Biography

Worley was born on April 27, 1948, in Farmington, New Mexico, and completed the 8th grad at Farmington Elementary School in 1962. After being orphaned, he moved to Truth or Consequences, New Mexico, and attended Hot Spring High School there for two years.[3] He moved to Modesto, California, at age sixteen to live with an aunt. The conditions there were poor for Worley; he lived in a travel trailer with no running water or electricity. Instead of going to school, he worked as a truck driver, hauling loads of Christmas trees out of the mountains. After injuring his foot at work, he was taken in by Don and Rose Feyerman of Modesto. They treated him like a son and became his foster parents.

Worley enlisted in the United States Marine Corps in Fresno, California on June 14, 1967, he received recruit training with the 3rd Recruit Training Battalion, Recruit Training Regiment, Marine Corps Recruit Depot, San Diego, California. Upon completion of recruit training in August 1967, Pvt Worley was transferred to the Marine Corps Base, Camp Pendleton, California, and underwent individual combat training with Company R, 2nd Battalion, 2nd Infantry Training Regiment, and basic infantry training with the 2nd Infantry Training Regiment, completing the latter in October.

He was promoted to private first class on November 1, 1967 and, later that month, was ordered to the Republic of Vietnam. Assigned to the 3rd Battalion, 7th Marines, 1st Marine Division, he served consecutively as a rifleman with Company I, with Headquarters and Service Company, and with Company L. He was promoted to lance corporal on May 1, 1968. While serving as a machine gunner with Company L on August 12, 1968, he was killed in action, saving five fellow Marines by his actions.

Kenneth Worley is buried in Westminster Memorial Park, Westminster, California.

Medals and decorations

A complete list of his medals and decorations include: the Medal of Honor, the Purple Heart, the National Defense Service Medal, the Vietnam Service Medal with four bronze stars, and the Republic of Vietnam Campaign Medal. The Medal of Honor was presented posthumously to Worley's son and foster family, two years after he was killed.

Medal of Honor citation

The President of the United States in the name of Congress takes pride in presenting the MEDAL OF HONOR posthumously to

LANCE CORPORAL KENNETH L. WORLEY
UNITED STATES MARINE CORPS

for service as set forth in the following CITATION:

For conspicuous gallantry and intrepidity at the risk of his life above and beyond the call of duty while serving as a Machine Gunner with Company L, Third Battalion, Seventh Marines, First Marine Division in action against enemy forces in the Republic of Vietnam. After establishing a night ambush position in a house in the Bo Ban Hamlet of Quang Nam Province, security was set up and the remainder of the patrol members retired until their respective watch. During the early morning hours of 12 August 1968, the Marines were abruptly awakened by the platoon leader's warning that "Grenades" had landed in the house. Fully realizing the inevitable result of his actions, Lance Corporal Worley, in a valiant act of heroism instantly threw himself upon the grenade nearest him and his comrades, absorbing with his own body, the full and tremendous force of the explosion. Through his extraordinary initiative and inspiring valor in the face of almost certain death, he saved his comrades from serious injury and possible loss of life although five of his fellow Marines incurred minor wounds as the other grenades exploded. Lance Corporal Worley's gallant actions upheld the highest traditions of the Marine Corps and the United States Naval Service. He gallantly gave his life for his country.

RICHARD M. NIXON

Posthumous honors

Kenneth Worley's name is inscribed on the Vietnam Veterans Memorial ("The Wall"), on Panel 48 West, Line 01.

The "LCpl Kenneth L. Worley" Young Marine unit based in Bellflower, California, is named in honor of LCPL Worley.

Medal Of Honor








Người thanh niên mồ côi nằm yên nghỉ thầm lặng ở Westminster

WESTMINSTER, California - Trong 41 năm, người chiến binh được tưởng thưởng huy chương cao nhất Hoa Kỳ đã nằm yên nghỉ trong một mộ phần gần như vô danh, không một lời tưởng niệm. Cho đến khi một cựu chiến binh khác tình cờ biết chuyện, đã vận động thành phố Westminster và binh chủng thủy quân lục chiến làm một buổi lễ long trọng vinh danh người anh hùng của chiến cuộc Việt Nam.

Người lính không thân nhân với mộ phần trong nghĩa trang Westminster Memorial Park là cố Thượng Sĩ Kenneth Lee Worley. Anh đã thiệt mạng khi lấy thân mình nhảy đè lên một quả lựu đạn, cứu cả một nửa tiểu đội thoát chết.

Chính phủ Hoa Kỳ đã truy tặng huy chương Medal of Honor, Huy chương Danh dự, là huy chương cao nhất của quân đội Hoa Kỳ. Anh cũng được nhận huy chương Purple Heart, dành cho người bị thương trong chiến đấu.

Nhưng rồi chuyện của anh đã rơi vào quên lãng. Thi hài anh được đưa đến chôn tại Westminster vì quân đội không tìm ra thân nhân. Phải hơn bốn mươi năm sau, một người nghiên cứu sử nghiệp dư tình cờ nhắc đến anh khi nói chuyện với một cựu chiến binh lớn tuổi, người ta mới nhớ ra anh là ai.

Người nghe được chuyện Thượng Sĩ Worley là ông B.J. Savage, một cựu phó cảnh sát trưởng Westminster và cũng là một cựu chiến binh nhưng không tham chiến tại Việt Nam. Ông Savage đã vận động được thành phố Westminster tài trợ một buổi lễ vinh danh người anh hùng, và gắn một tấm bảng đồng tưởng niệm trong khuôn viên tòa thị chính.

Chiến sĩ mồ côi

Khi hy sinh, Thượng Sĩ Worley chỉ một thân một mình. Sinh ra và lớn lên tại Farmington, New Mexico, nhưng ngay cả thành phố nơi anh sinh ra cũng không có ai để biết đến hành động hy sinh anh hùng của anh. Phải tới ngày hôm nay, người ta mới biết và đang gây quỹ để làm bia tưởng niệm.

99701-medium_a1_thuy20quan20luc20chienÔng B.J. Savage lấy tay phủi cỏ khô trên mặt bia Thượng Sĩ Kenneth Lee Worley trong nghĩa trang Westminster Memorial Park. Ông Savage là người khởi động đặt một tấm bảng đồng tưởng niệm trong khuôn viên tòa thị chính Westminster. Lễ đặt tấm bảng sẽ diễn ra ngày 29 Tháng Tám. (Hình: Benjamin Vũ/Người Việt)

Ông Savage nói với Người Việt, “Anh ta mồ côi cha mẹ từ nhỏ, ở với họ hàng xa, học tiểu học ở Farmington. Rồi đến trung học, anh học ở Truth Or Consequences, New Mexico.”

Ông ngừng lại và bật cười, “Tên thành phố như vậy đó, Truth Or Consequences.”

Ðến lúc đăng lính vào thủy quân lục chiến, Worley đã đăng lính ở Fresno. Khi đó, người thanh niên này đang sống với gia đình Feyerherm, một gia đình nuôi.

Một người em gái trong gia đình này viết về anh trên trang web American Valor:

“Kenny đến ở trong gia đình chúng tôi ở Modesto, California khi anh 17 tuổi. Anh sống với chúng tôi cho tới khi anh gia nhập thủy quân lục chiến. Anh là người anh của tôi theo tất cả các nghĩa của chữ đó và chúng tôi yêu anh hết sức,” bà Donel Swisher viết.

Hiện sống tại Escondido, bà Swisher dự định sẽ đến dự buổi lễ vinh danh người anh nuôi. Bà viết thêm, “Khi anh đến ở trong gia đình chúng tôi, tôi chỉ mới 13 tuổi và tôi dám khẳng định là khi quân đội bảo chúng tôi là anh được truy tặng Huy chương Danh dự, chúng tôi không ai ngạc nhiên. Anh là một người hùng từ ngày đầu tiên anh đến với chúng tôi.”

Thi hài không người nhận

Tuy Thượng Sĩ Worley từng ở với gia đình Feyerherm, nhưng theo luật pháp, một gia đình nuôi kiểu foster family không được xem là thân nhân như gia đình nuôi kiểu adoption. Vì vậy, khi thiệt mạng, anh được xem là người lính không thân nhân.

Không thân nhân, nên anh cũng không có chỗ chôn.

Cá nhân ông B.J. Savage cũng từng là thủy quân lục chiến, giải ngũ năm 1963. Ông làm cảnh sát Westminster trong 30 năm, lên đến chức phó cảnh sát trưởng cho tới khi về hưu. Năm nay 68 tuổi, ông nói:

“Mối liên hệ duy nhất giữa người anh hùng Worley và Westminster là ngôi mộ này đây. Mộ phần này là một miếng đất được tặng.”

Ông Savage kể: “Khi mất, anh không có thân nhân. Lúc đó, nghĩa trang này thuộc về gia đình McWhinney. Gia đình McWhinney đã hiến tặng phần đất này cho quân đội để chôn cất anh Worley.”

Ông kể vì sao ông tìm ra được ngôi mộ này: “Có một nhà nghiên cứu sử nghiệp dư ở Newport Beach. Ông ấy đang nghiên cứu đề tài khác thì tìm ra ngôi mộ này. Anh phải biết là ở nước Mỹ không có mấy người được trao huy chương Medal of Honor đâu. Nên tình cờ nói chuyện, ông ấy mới bảo tôi là trong nghĩa trang Westminster Memorial Park có một ngôi mộ của một người được Medal of Honor, tôi mới tìm hiểu thêm.”

Hy sinh vì đồng đội

Tìm được ngôi mộ Thượng Sĩ Worley, ông Savage bèn lên Internet tìm hiểu thêm về người này. Văn bản khi truy tặng Huy chương Danh dự cho Thượng Sĩ Worley viết về sự việc xảy ra ngày 12 Tháng Tám năm 1968 khi toán quân của ông Worley đóng chốt qua đêm trong một căn nhà ở xã “Bo Ban” tỉnh Quảng Nam. Văn bản viết tiếp:

“Vào mờ sáng, các chiến sĩ thủy quân lục chiến giật mình thức giấc khi trung đội trưởng lên tiếng báo động ‘lựu đạn’… Dù biết hậu quả của việc mình làm, Thượng Sĩ Worley, trong một hành động anh dũng cao độ, liền lập tức nhảy chồm lên trên quả lựu đạn gần đồng đội mình nhất, lấy thân mình chịu hết sức nổ cực lớn của trái lựu đạn.”

Worley hy sinh, cứu sống 5 người đồng đội đang ngủ trong cùng phòng. Huy chương Danh dự đã được truy tặng cho anh trong một buổi lễ tại Tòa Bạch Ốc năm 1970.

Một buổi lễ vinh danh

Một thân một mình, ông Savage gom góp tài liệu về người thượng sĩ anh hùng, viết một lá thư và gởi đến cho Hội Ðồng Thành Phố Westminster.

Ông Savage muốn có một buổi lễ đặt bảng tưởng niệm trong khuôn viên tòa thị chính, ngay chỗ cột cờ, nơi hiện đang có nhiều bảng tưởng niệm từ các cuộc chiến khác. Ông dự trù sẽ có mặt của dàn nhạc và đoàn cờ danh dự Sư Ðoàn 1 Thủy Quân Lục Chiến từ Camp Pendleton, là sư đoàn nơi Thượng Sĩ Worley từng phục vụ. Nhưng có dàn nhạc, có đoàn cờ, là có chi phí. Chưa kể những phí tổn khác.

Ông ước tính chi phí cho một buổi lễ và một tấm bảng tưởng niệm là $7,000, và ông đến buổi họp hội đồng thành phố để xin tài trợ số tiền này. Trong buổi họp Tháng Tư 2009, hội đồng thành phố đã đồng loạt bỏ phiếu chấp thuận yêu cầu của ông, chuẩn chi $7,000.

Nghị Viên Tạ Ðức Trí nói với báo Người Việt, “Ðây là một điều rất tốt, thành phố nên làm. Ðây là một người đã tham chiến tại Việt Nam, thành phố được sự ủng hộ tuyệt đối của hội đồng thành phố để tưởng nhớ sự hy sinh này.”

Ðến ngày 12 Tháng Tám, ông Savage tính lại, xin được Sư Ðoàn 1 cho giảm bớt chi phí vận chuyển, xin được công ty làm bảng tưởng niệm giảm bớt giá thành.

Thấy tiết kiệm được vài ngàn, ông lại trở lại thành phố. Phát biểu trước hội đồng thành phố, ông nói “Bây giờ buổi lễ chỉ cần $5,000 thôi, xin chỉnh lại chi phí.” Hội đồng thành phố lại bỏ phiếu, lại đồng ý chuẩn chi bớt xuống còn $5,000.

Ông cho báo Người Việt biết, “Buổi lễ sẽ có Thẩm Phán Liên Bang David O. Carter, cũng là một cựu chiến binh Việt Nam; sẽ có Thiếu Tướng Richard Mills là sư đoàn trưởng Sư Ðoàn 1 Thủy Quân Lục Chiến.”

“Qua chừng này năm, đã đến lúc anh Worley được nhận sự vinh danh xứng đáng.”

Nguồn : Vũ Quí Hạo Nhiên/Người Việt